CHÀO MỪNG, BẠN ĐẾN VỚI DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT VIỆT NAM .
DIỄN ĐÀN, TƯ VẤN KỊP THỜI CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CỦA BẠN.VỀ HÌNH SỰ- DÂN SỰ- HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH- ĐẤT ĐAI- LUẬT DOANH NGHIỆP- CÁC LUẬT KHÁC...... LUẬT SƯ: TRẦN NGỌC ĐIỆP. ĐTDĐ:076.45.44.959. CẦN THƠ- VIỆT NAM.

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Khả năng vũ khí hạt nhân trở lại Hàn Quốc



Truyền thông Hàn Quốc kêu gọi Mỹ triển khai trở lại vũ khí hạt nhân chiến lược tại nước này để ứng phó khả năng hạt nhân “đang phát triển nhanh” của Triều Tiên.

 
Ngày 10.9, Yonhap dẫn lời Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cảnh báo rằng khả năng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã đạt bước tiến đáng kể, với tốc độ nhanh hơn trong thập niên qua nên cần phải có biện pháp mạnh hơn để ứng phó.

Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Triều Tiên tiến hành đợt thử hạt nhân lần thứ 5 và được đánh giá lần thử mạnh nhất từ trước tới nay với sức nổ 10 kiloton. Giáo sư Yim Man-sung tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc nhận định với tờ JoongAng Ilbo rằng lần thử mới nhất chỉ cách đợt trước có 8 tháng và đây là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đã đảm bảo số lượng và chất lượng nguyên liệu hạt nhân cho thử nghiệm và sắp tiến tới khả năng sản xuất hàng loạt vũ khí. Vì thế, JoongAng Ilbo kêu gọi chính quyền Seoul thuyết phục Mỹ triển khai trở lại vũ khí hạt nhân chiến lược, vốn đã được rút khỏi Hàn Quốc vào đầu thập niên 1990. Nhìn chung, dư luận miền Nam đều cho rằng cần phải đáp trả mạnh mẽ hơn nữa đối với Bình Nhưỡng, kể cả tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân.
Cùng ngày, HĐBA LHQ lên án đợt thử hạt nhân mới của Triều Tiên và cam kết sẽ nhanh chóng làm việc để đưa ra nghị quyết mới trừng phạt Bình Nhưỡng, theo Yonhap. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa thể thống nhất về khả năng này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua cho rằng thay vì chỉ tăng cường trừng phạt, cộng đồng quốc tế nên tìm biện pháp mới “mang tính sáng tạo” với mục tiêu giảm căng thẳng hơn. Trong khi đó, Trung Quốc chưa tỏ thái độ sẽ ủng hộ hay phản đối biện pháp trừng phạt nặng hơn nhằm vào Triều Tiên.
Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh không có dấu hiệu cho thấy họ muốn mạnh tay. Tờ USA Today dẫn lời nhà phân tích Scott Snyder thuộc Hội đồng đối ngoại (Mỹ) lý giải: “Trung Quốc không muốn tạo ra bất ổn ở Triều Tiên vì lo ngại sẽ mang lại lợi thế cho Mỹ. Ưu tiên của họ là duy trì ổn định ở biên giới. Điều này có nghĩa là họ không muốn đặt sự sống còn của Triều Tiên vào vòng nguy hiểm”.
Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, Mỹ) thì cho rằng điều khiến Trung Quốc lo sợ nhất không phải là chương trình hạt nhân của Triều Tiên mà là phản ứng của các bên, đặc biệt là Mỹ.